12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 1)
  1. Home
  2. Chuyện coding
  3. 12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 1)
Admin 2 năm trước

12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 1)

Trong suốt những năm làm trong ngành IT được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều các bạn developer, mình đã gặp không ít vấn đề khi các bạn dev chỉ quan đến code cho xong, code chạy được là được, code xong bàn giao luôn không cần self test. Nhiều bạn thì chia sẻ với mình làm dev mà mãi không tiến bộ, code 5 năm vẫn như 1 năm.

Vì vậy, trong bài viết này mình sẽ tổng hợp lại những thói quen mà developer nên có để trở thành 1 lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” dựa trên kinh nghiệm làm việc cũng như những thứ mình quan sát được.

Study task trước khi code

15 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có tâm và xịn xò-1

Đây có lẽ là vấn đề mà rất nhiều dev mắc phải khi bắt đầu nhận task. Nhận task xong là vội vàng code luôn, thậm chí spec (yêu cầu) còn chưa rõ ràng. Việc này cực kỳ nghiêm trọng nếu bạn code sai, code thiếu yêu cầu của task. Ngoài ra nếu bạn không tìm hiểu task trước khi code thì bạn cũng khó ước lượng task đó làm trong bao lâu, giải pháp (solution) nào tốt nhất, task này ảnh hưởng như thế nào.

Vì vậy hãy rèn cho mình một thói quen luôn luôn tìm hiểu task trước khi code, phần nào yêu cầu chưa rõ ràng hoặc cần xác nhận để làm rõ thì trao đổi với BA hoặc hỏi Project Manager (PM). Sau đó hãy note ra một số thông tin trước khi code như: Giải pháp (Solution), Phạm vi ảnh hưởng (Các màn hình ảnh hưởng), Lưu ý (Nếu có).

Viết code cẩn thận, ngắn gọn, chú ý phạm vi ảnh hưởng

Nếu bạn đã làm tốt bước tìm hiểu, phân tích task ở trên thì ở bước viết code, bạn cần chú ý:

  • Handle tất cả các case có thể xảy ra
  • Đặt tên biến, tên hàm dễ hiểu, comment logic xử lý khó
  • Handle errors và để ý log lại những nội dung cần thiết phục vụ điều tra bug sau này
  • Task đơn giản hay phức tạp cũng đều cần cẩn thận, tránh chủ quan nghĩ task dễ mà làm nhanh, làm ẩu
  • Khi code xong thì search thử keyword mình đã chỉnh sửa có ảnh hưởng tới những chỗ nào

Tự review code trước khi Push và sau khi tạo Merge Request

Dev review code trước khi tạo merge request

Nhiều bạn dev sau khi làm xong thì không xem lại các file code thay đổi, cứ thế git add . rồi push lên. Sau đó thì bị dính nhiều file sinh ra ở local khi bạn dev mà đúng ra bạn không được push lên. Sau đó khi tạo merge request bạn cũng không xem lại merge request thay đổi những gì, phó mặc cho ông review code. Ông review code mà không để ý merge code vào là toang.

Vì thế sau khi code xong các bạn cần check thật kỹ các file thay đổi, chỉ push những file cần thiết lên git. Khi tạo merge request bạn cần xem lại xem thay đổi những gì, có conflict code hay lỗi gì hay không.

Self test trước khi bàn giao

Rất nhiều bạn dev không tự test lại cẩn thận trước khi bàn giao task vì nghĩ rằng mất thời gian và không thể bằng tester được. Tuy nhiên việc này vừa khiến bạn mất nhiều thời gian đề fix bug, vừa khiến tester mất thời gian verify lại bug của bạn.

dev self test trước khi bàn giao

Bạn nên cẩn thận test những test case của mình định nghĩa hoặc case cơ bản từ file test case giúp bạn tiết kiệm thời gian fix bug và bạn cũng được mọi người đánh giá tốt vì code ít bug.

Làm chủ phím tắt, command-line, IDE

Việc làm chủ được các phím tắt thông dụng, IDE bạn hay dùng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi gõ code và xử lý công việc hiệu quả hơn. Mình có quen một số bạn dev ở công ty mình sử dụng phím tắt trên IDE, trình duyệt rất giỏi, một số phím tắt thông dụng bạn cũng nên search như : Phím tắt copy nhanh 1 dòng, xóa nhanh 1 dòng, mở giao diện search code, search file, Trở về nhanh con trỏ trước đó, đóng nhanh file đang mở, mở nhanh 1 tab trình duyệt và search trên google,…

Dev làm chủ command line IDE

Về command-line, mình thấy rằng rất nhiều bạn dev bây giờ dùng giao diện GUI để xử lý thay cho command line vì nó tiện lợi và không cần phải nhớ câu lệnh xử lý là gì. Tuy nhiên mình khuyên bạn nên dùng và nắm chắc command line trước khi nghĩ đến việc dùng giao diện. Dùng command line sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất, ý nghĩ của từng câu lệnh, và command có nhiều tính năng hơn giao diện đấy. Ngoài ra, khi bạn bị phụ thuộc vào 1 ứng dụng hỗ trợ trên giao diện, ứng dụng thay đổi phát là bạn cũng phải cập nhật theo, trong khi command line thì thường không thay đổi.

Ngoài các ý nghĩa nêu trên, việc làm chủ phím tắt, command line, IDE còn giúp bạn trông thật “pro”, “xịn xò” trong mắt người khác. Như thằng em mình ở công ty, nhờ gõ code “pro” như hacker mà được các bạn nữ chú ý, kiếm ngay được ny chứ chả chơi :))

Học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, sếp

Học hỏi từ bạn bè đồng nghiệp IT

Trong số các cách để cải thiện, nâng cao trình độ bản thân, mình thấy việc học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, sếp là nhanh tiếp thu được và hiệu quả nhất. Trong công ty, mình cũng học hỏi được cực kỳ nhiều từ bạn bè, đồng nghiệp,… Thế nên bạn có thể trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp hay sếp của mình các vấn đề, topic bạn đang tìm hiểu. Tích cực đặt câu hỏi cho mọi người, xin thêm ý kiến, trao đổi giải pháp với những người có kinh nghiệm hoặc sếp của bạn.

Bài viết cũng đã dài nên mình tạm kết thúc phần 1 tại đây, mời các bạn tiếp tục đón đọc phần 2!

10 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar