“Hố đen nguy hiểm” của TikTok
“Hố đen nguy hiểm” của TikTok đang khiến nhiều chuyên gia và người dùng lo ngại. Sức mạnh của TikTok ngày càng được khẳng định khi quy mô của mạng xã hội này ngày càng tăng và đã cán mốc 1 tỷ người dùng chỉ sau ít năm ra mắt. Những tưởng đây là mạng xã hội dùng để giải trí thì đằng sau những xu hướng và sự vui nhộn thì còn ẩn chứa “hố đen nguy hiểm” của TikTok.
Phát hành vào tháng 9/2016, chỉ sau 7 năm TikTok đã có những bước phát triển đáng nể đủ để khiến các ông lớn khác như Facebook, Youtube, Instagram,… phải dè chừng. TikTok là một nền tảng chia sẻ những video, clip ngắn. Khác với Facebook, Youtube hay Instagram, TikTok tập trung vào các short video, người dùng có thể tạo ra những video từ chính những hiệu ứng của nền tảng này mà không cần phải chỉnh sửa quá nhiều.
Với những tính năng hấp dẫn mà đơn giản như vậy, không khó để TikTok thu hút một lượng lớn người dùng. Đặc biệt, TikTok thu hút người dùng ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em, giới trẻ cho đến cả những người trung niên. Cha mẹ thường cho con mình xem TikTok mà không kiểm soát bởi họ nghĩ đơn giản đó chỉ là những video giải trí, xu hướng. Bề nổi thì đúng là như vậy, nhưng sâu bên trong đó là “hố đen nguy hiểm” của TikTok.
Thuật toán đề xuất ẩn chứa “hố đen nguy hiểm” của TikTok
Thuật toán của TikTok được xây dựng dựa trên nắm bắt sở thích của từng người để từ đó mã hóa bằng việc “cá nhân hóa” từng người qua những video mà họ đã từng xem. Dựa trên những dữ liệu đó, TikTok sẽ đề xuất những video tiếp theo phù hợp với từng người.
Thuật toán này được thiết kế để phân tích sở thích của người dùng và đề xuất các video mới, phù hợp nhất – bất kể video đến từ nguồn nào, quen hay lạ. Thậm chí, một tài khoản mới chưa có nhiều lượt theo dõi có thể đạt được trăm ngàn lượt xem (view) nếu đi đúng thuật toán.
Thêm vào đó, thuật toán của TikTok liên quan đến “trending” (xu hướng) tự động đề xuất những chủ đề nóng, nhiều người quan tâm, ngay cả khi chưa gõ tìm kiếm.
Những video lan truyền những thông tin sai lệch, tiêu cực
TikTok bị nhiều quốc gia cấm bởi cách quản lý thông tin lỏng lẻo của mình, có rất nhiều những thông tin sai lệch được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Thậm chí, những thông tin sai lệch, giật gân thường được lên xu hướng. Tức là những video này đã có rất nhiều người tiếp cận.
Những video xấu độc, video bạo lực hay video mang tính kích động phân biệt tôn giáo, đặc biệt là các trào lưu ngày càng biến dị và nguy hiểm… đã và đang tác động không nhỏ đến người dùng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thông tin sai lệch vẫn sẽ xuất hiện trên TikTok nếu nền tảng này tiếp tục không tiết lộ dữ liệu gốc của các video hoặc chia sẻ thông tin chi tiết về các thuật toán của nó.
Những video mang những thông tin sai lệch này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người dùng. Đặc biệt, lứa tuổi sử dụng TikTok nhiều nhất là giới trẻ chủ yếu ở độ tuổi 16 – 24 tuổi. Những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của họ về những đối tượng bị đưa thông tin không chính xác.
Ngoài ra còn rất nhiều những video về giáo dục, hướng nghiệp chưa được kiểm chứng rõ ràng đã được truyền tải nhanh chóng trên mạng xã hội khiến cho người dùng có cái nhìn phiến diện về một vấn đề nào đó.
Nguy hiểm hơn, TikTok hiện đang thu hút một lượng lớn trẻ em bởi những tính năng giải trí, tạo trend của nó. Thời lượng mà trẻ em dành cho TikTok ngày càng nhiều. Những thông tin tiêu cực, những thông tin chưa được kiểm chứng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tư duy và phát triển của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh không nên ngó lơ điều này mà hãy chọn lọc những lĩnh vực và chủ đề cho con mình xem bởi trẻ con rất dễ tiếp thu và chúng chưa thể phân biệt được đâu là những video nên xem.
Những trào lưu nguy hiểm cũng đang trở thành một phần “hố đen nguy hiểm” của TikTok
Đú trend bất chấp nguy hiểm đang trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Một loạt những thử thách nguy hiểm vẫn tràn lan trên nền tảng này như Penny Challenge (tạm dịch: Thử thách đồng xu): người tham gia sẽ sử dụng đồng xu để thả vào khe hở được tạo ra giữa sạc điện thoại và ổ điện. Mục đích cuối cùng là để tạo ra tia lửa; Thử thách Benadryl khuyến khích người tham gia uống nhiều thuốc dị ứng Benadryl để có ảo giác;…
Hay các trào lưu chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng phong phú, tuy nhiên rất nhiều trong số đó chỉ mang tính câu view, tự phát và thiếu kiểm chứng khoa học.
Trào lưu “giả làm người thân trêu đùa trẻ em”. Trong đó, người thực hiện nội dung tự nhận là đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng của bố mẹ và tiếp cận trẻ không quen biết trên đường. TikToker nhờ các em cầm đồ về cho gia đình, gửi quà, tặng ít tiền. Họ đeo bám cho đến khi trẻ chịu nhận đồ và quay lại nét mặt biểu cảm ngơ ngác. Các video này khiến nhiều gia đình, phụ huynh lo lắng con em họ trở thành trò đùa trên mạng và có thể bị bắt cóc, lợi dụng cho mục đích xấu.
TikTok đang ngày càng thu hút nhiều người và khiến họ trở nên “nghiện” bất chấp “hố đen nguy hiểm” của TikTok. Bằng những thuật toán đề xuất, tạo sự hấp dẫn bằng những video lan truyền những thông tin sai lệch hay thử thách người dùng bằng những trào lưu nguy hiểm chính là những mặt trái của TikTok. Hãy là những người dùng thông thái khi có biết lựa chọn những nội dung đúng đắn để xem và học hỏi.