12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 2)
  1. Home
  2. Chuyện coding
  3. 12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 2)
Admin 2 năm trước

12 thói quen giúp dev trở thành lập trình viên có “tâm” và “xịn sò” (Phần 2)

Tiếp nối phần 1, hôm nay mình tiếp tục chia sẻ tới các bạn những thói quen giúp developer trở thành một lập trình viên có tâm và xịn sò. Đây có thể nói là những thói quen không chỉ giúp các bạn phát triển trong ngành IT mà còn giúp ích cho bạn rất nhiều trong các công việc khác, cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Đọc sách, blog

Thói quen đọc sách blog IT

Kiến thức là vô cùng rộng lớn, chưa kể công nghệ thay đổi từng ngày, mỗi ngày bạn nên dành khoảng 30 phút để đọc sách, blog IT. Về sách bạn có thể đọc bất cứ sách nào bạn thích còn blog thì bạn nên đọc 1 số blog chia sẻ kiến thức về ngành IT. Mỗi ngày đọc một chút, một chút dần dần bạn sẽ thấy kiến thức mình học được trong sách, hay trên blog là rất nhiều.

Ngoài ra từ những kiến thức bạn học được, bạn cũng có thể viết blog cho riêng mình, vừa để chia sẻ kiến thức, vừa giúp bạn cải thiện khả năng viết và trình bày. Sau này việc viết blog cá nhân cũng sẽ giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Ví dụ như khi mình viết blog này, nếu có ai đó đọc được và có cơ hội làm việc thì người ta sẽ liên hệ với mình.

Viết nhật ký làm việc mỗi ngày

Viết nhật ký hàng ngày it

Khi đi làm được khoảng vài năm mình thấy có 1 số vấn đề về quản lý công việc cá nhân. Bình thường thì mọi công việc ở công ty mình hay được log trên backlog, tuy nhiên thỉnh thoảng sẽ có một số công việc ngoài lề từ sếp hoặc công việc đồng nghiệp nhờ : Tester nhờ Dev build 1 bản app, Sếp nhờ xem hộ phần x, phần y, chuẩn bị nội dung ABC để họp, …. Khi đó nếu bạn cứ gật đầu nhưng không note vào đâu đó thì rất có thể bạn sẽ bị quên.

Một vấn đề khác mình thấy cũng hay gặp phải là khi đồng nghiệp, sếp nói với bạn 1 vấn đề nào đó nhưng là trao đổi riêng, trao đổi miệng thôi không lưu vào đâu cả. Dẫn tới sau bạn muốn check lại, bạn cũng không nhớ là thực sự sếp, đồng nghiệp có nói với mình không.

Vì vậy, bạn hãy cố gắng tập cho mình thói quen viết nhật ký làm việc mỗi ngày, tất cả những thông tin bạn thu thập được trong ngày, tất cả những công việc ngoài lề đều note hết lại. Những thông tin nào cần focus chính thì tô đậm, đánh dấu lại.

Tích cực trao đổi, giao tiếp, giúp đỡ đồng nghiệp

Tích cực giao tiếp trong ngành IT

Trong khi làm việc sẽ có rất nhiều việc bạn cần sự phối hợp giữa các bên, nếu không có sự trao đổi phối hợp thì rất khó có thể hoàn thành công việc. Ví dụ nếu bạn là một Frontend Developer làm UI thì bạn cần phối hợp, trao đổi chặt chẽ với Backend Developer làm API để biết được dữ liệu trả về như thế nào, các trường nào cần phải trả về để giao diện có thể hiển thị được.

Việc tích cực trao đổi, giao tiếp với bạn bè đồng nghiệp còn giúp bạn hiểu cách làm việc của đồng nghiệp, teamwork sẽ hiệu quả, gắn kết hơn tránh những xung đột, bất đồng không đáng có. Ngoài ra, khi bản thân mình gặp khó khăn, vướng mắc, bạn bè đồng nghiệp sẽ giúp đỡ nhiệt tình, giúp mình hoàn thành tốt công việc.

Trong quá trình làm việc, mình được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Được lắng nghe những câu chuyện, chia sẻ của mọi người, bản thân mình cũng học hỏi được rất nhiều cả trong công việc lẫn cuộc sống. Tóm lại, bạn hãy cố gắng trao đổi với đồng nghiệp nhiều hơn nhé!

Suy nghĩ tới người dùng và khách hàng khi code

Suy nghĩ tới người dùng và khách hàng ngành IT

Khi mới ra trường mình làm dev nhưng không khác gì “thợ code” , sếp hay khách hàng bảo gì làm nấy, task yêu cầu như thế nào thì cứ thế mà làm không có suy nghĩ gì thêm. Sau khi làm được 1 – 2 năm thì mình nhận ra rằng những thứ mình làm nhiều khi mình hoàn toàn có thể cải thiện, suggest cho khách hàng được những giải pháp hay hơn, phù hợp hơn với người dùng nhưng lúc đó mình không làm vì nghĩ rằng task đã yêu cầu rõ ràng rồi mình có đề xuất thêm cũng không giải quyết gì.

Việc bạn làm developer ( Lập trình viên) không phải chỉ có code mà hơn cả là mình làm ra một sản phẩm phần mềm có ích cho xã hội. Khi làm 1 sản phẩm hay tính năng nào đó, các bạn thử nghĩ xem tính năng đó có phù hợp với người dùng không, có giải pháp nào tốt hơn không. Sau đó thì đề xuất tới PM, khách hàng để cải thiện, cập nhật tính năng cho phù hợp.

Khi bạn biết suy nghĩ tới người dùng và khách hàng sẽ giúp bạn được khách hàng đánh giá cao, tính năng thì có thể sẽ đỡ phải chỉnh sửa nhiều hơn. Tất nhiên, một số trường hợp, những đề xuất, suggest của bạn không được khách hàng hay PM đồng ý thì bạn cũng đừng buồn vì điều đó, việc đề xuất không được chấp nhận có thể có nhiều lý do : khách hàng hiểu rõ tệp người dùng hơn, khách hàng không muốn bỏ thêm chi phí, khách hàng chưa nhận ra được ưu điểm,,… nhưng có 1 điều chắc chắn khách hàng sẽ đánh giá các bạn đang muốn cùng khách hàng có 1 sản phẩm tốt.

Học cách viết document (tài liệu) và update thường xuyên

Tập viết doc ngành IT

Có một vấn đề mà các bạn developer hay gặp phải là code không có doc, không có tài liệu gì cả. Khi có 1 dev mới vào dự án, động đến những phần các dev trước đó làm thì không hiểu gì, phải nhờ dev cũ giải thích lại rất thời gian. Thậm chí, chính mình làm task, tính năng đó, 1 thời gian sau mình đọc lại cũng không hiểu mình viết cái gì.

Khi làm 1 task hay tính năng nào đó, bạn hãy có thói quen viết document ví dụ : doc sequence diagram, activity diagram, flow diagram, api design, batch design,… Khi có thay đổi, bạn cũng cần update những tài liệu này tránh tài liệu bị cũ, mọi người hiểu sai, doc một đằng hệ thống 1 kiểu. Thời gian bạn viết doc có thể mất thời gian nhưng bù lại nó sẽ giúp ích cho bạn và đồng nghiệp rất nhiều trong tương lai.

Giữ gìn sức khỏe

sức khỏe ngành IT

Mặc dù làm việc trong môi trường IT không độc hại, không vất vả tay chân nhưng bù lại rất mệt mỏi đầu óc. Việc làm trên máy tính nhiều giờ, ngồi lâu, không vận động cũng sẽ làm cho rất nhiều bạn trong ngành IT thường mắc các bệnh như: Trĩ, đau lưng, thoái hóa cột sống,…

Hãy nhớ rằng, sức khỏe là vô cùng quan trọng, có sức khỏe là có tất cả. Vì vậy, khi làm việc bạn cũng nên duy trì 1 số thói quen tốt cho sức khỏe như: Không ngồi quá lâu, cách 1-2 tiếng uống nước, đứng dậy vận động cơ thể 1 chút, đi vệ sinh rồi tiếp tục làm việc. Khi làm việc thì bạn cũng nên ngồi thẳng lưng, để mắt ngang màn hình, không nên nhìn suốt vào màn hình, thỉnh thoảng nên nhìn xung quanh cho đỡ mỏi mắt. Ngoài ra, bạn cũng nên dành khoảng 30 phút – 1 tiếng thể dục mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Tổng kết

Có rất nhiều thói quen cho developer để trở thành 1 lập trình viên có “tâm” và “xịn xò”. Để hình thành được 1 thói quen thì các bạn hãy cố gắng rèn luyện hằng ngày nhé. Bài viết về thói quen cho dev tạm kết ở đây, cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Ngoài ra bạn có những thói quen nào khác thì để lại bình luận dưới bài viết cho mọi người cùng biết nhé.

11 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar